Đĩa cơm bình dân 30K và giây phút trở về của Ronaldo tại Old Trafford

Năm 2013, Real Madrid gặp Manchester United trên sân Old Trafford. Điểm nhấn được chờ đợi nhất là sự trở về của C. Ronaldo. Trong màu áo trắng, không phải màu đỏ. Ronaldo ngạo mạn, kênh kiệu. Nhưng tình cảm anh dành cho United, cho sir Alex luôn đong đầy. Nhà Hát của những giấc mơ đón anh trở về như thế nào?

Sir Alex Ferguson đã dặn kỹ, dặn rất kỹ, người đọc tên danh sách cầu thủ của sân Old Trafford. Tên Ronaldo được đọc cuối cùng. Chưa hết, trước khi tên anh được xướng lên, người đọc đã dừng lại một chút để thu hút sự chú ý của 80,000 khán giả trên sân. Khỏi phải nói hiệu ứng thế nào. Cả sân nổ tung. Và Ronaldo xúc động rất rất mạnh.

Sir Alex thể hiện sự vĩ đại không chỉ qua số lượng thành tích khổng lồ. Sự vĩ đại về tài lãnh đạo và nhân cách lớn thể hiện ở những hành động nhỏ. Tại những khoảnh khắc nhỏ. Trong cuốn “Lãnh đạo để dẫn dắt” của Sir Alex, chúng ta nhận thấy rất rõ rằng Man United duy trì được thành công liên tục suốt hơn hai thập kỷ như vậy là nhờ một trong những lý do rất quan trọng: người đứng đầu luôn coi trọng và rất kỷ luật với những tiểu tiết. Chi tiết trong câu chuyện đón tiếp Ronaldo trở về Old Trafford kể trên chỉ là một trong số vô vàn tiểu tiết đã làm nên tên tuổi của Alex Ferguson và Man United.

Cristiano Ronaldo và Sir Alex Ferguson

Cristiano Ronaldo và Sir Alex Ferguson

Điều kỳ diệu đến từ những tiểu tiết. Man United, Sir Alex và C. Ronaldo. Những tên tuổi thương hiệu lớn quá. Giờ tôi xin chia sẻ về một trải nghiệm cá nhân. Về một quán cơm bình dân nhỏ vô danh.

Chị xới cơm, gắp thức ăn. Ân cần đến cả cách đơm sao chọ gọn trên đĩa sứ sạch trắng bong. Rau thịt chị có ý bày gọn gàng, vừa đủ. Miệng chị luôn nhoẻn cười khi đáp lời khách kể cả khi bị khách hối giục cau có. Anh chồng bê thức ăn đến từng bàn. Tôi xin bát con nước mắm. Anh tỉ mỉ nêm chanh ớt đưa lên. Nhẹ nhàng bảo tôi thử xem nếu cay quá anh làm bát khác. Ai ăn xong anh cũng hỏi có ngon miệng không. Có hôm anh bê rổ chuối đến từng bàn mời mọi người ăn miễn phí bảo chuối quê anh chị lấy ở quê.

Đĩa cơm bình dân giá chỉ 30K. Quán rất đông. Anh chị đón khách khi nào cũng ân cần vui vẻ như đón bạn đến nhà chơi vậy. Đặc biệt luôn chu đáo đến từng tiểu tiết. Tiểu tiết từng bát nước mắm. Tiểu tiết từng câu hỏi thăm. Cơm hàng cháo chợ. Nếu có không chu đáo, không ân cần khách cũng chả thắc mắc đâu nhỉ. Nhưng đối với quán anh chị khách không chỉ mua đĩa cơm 30K. Họ còn có được một cảm giác dễ chịu. Quán này nằm không xa địa chỉ một khách hàng tôi tư vấn về thương hiệu. Đã hai lần khi có hẹn với khách hàng tôi đã chờ để đến chỗ anh chị ăn trưa. Bỏ qua rất nhiều quán ăn khác.

Cảm xúc không phải đến từ những điều to tát. Không hình thành từ những lời hô hào mỹ miều. Cảm xúc đến từ những tiểu tiết. Những tiểu tiết xuất phát từ tình yêu thực sự của người làm nghề. Những tiểu tiết có sức lay động mạnh mẽ.

Sir Alex không hỏi Ronaldo có cần đọc tên cuối cùng không. Vợ chồng quán cơm bình dân không cần hỏi khách thích được phục vụ thế nào.

Sir Alex là thương hiệu cá nhân rất nhiều người biết. Vợ chồng quán cơm bình dân là vô danh.

Nhưng họ giống nhau và rất giống nhau: quan tâm chăm sóc người khác bằng những hành động cụ thể.

Xây dựng thương hiệu là phải có vison, mission hay những tuyên ngôn định vị. Tất nhiên là không thể thiếu những kim chỉ nam để dẫn dắt rồi. Nhưng khách hàng, người bỏ tiền mua sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp không biết và không quan tâm doanh nghiệp có chiến lược thương hiệu gì. Họ chỉ nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy những hành động cụ thể mà thương hiệu mang lại cho họ.

Ronaldo như muốn khóc khi tên anh được xướng cuối cùng, được đọc to hơn, nhấn dài hơn và vang vọng hơn

Tôi cất công đi xa đến ăn một quán cơm bình dân giá 30K chỉ vì đĩa cơm thật sạch sẽ chỉn chu và vì bát nước mắm pha đúng ý mình.

Điều kỳ diệu đến từ những tiểu tiết. Các lãnh đạo doanh nghiệp, những nhà quản lý, các content writer, những nhà quản trị chiến lược thương hiệu.
Xin đừng quên điều này.

Đức Sơn