Làm đào tạo không có lỗi, lỗi là do bạn chọn nhầm người!

Bài viết này dành cho những người đã và đang đổ tiền vào các khóa học nhưng mãi mà chưa thấy kết quả; và cho những người suýt thì mất niềm tin vào các thầy đào tạo.

Dạo gần đây, lướt quanh 1 vòng mạng xã hội thì hẳn bạn và tôi, không ít lần (rất nhiều là đằng khác) nhìn thấy các bài viết, mẫu quảng cáo từ một chuyên gia, nhà đào tạo nào đấy chia sẻ kiến thức, réo lên những nỗi đau hay gợi lên viễn cảnh về một tương lai tốt đẹp rồi chốt lại bằng một khóa học.

Làm đào tạo không có lỗi, lỗi là do bạn chọn nhầm người!

Làm đào tạo không có lỗi, lỗi là do bạn chọn nhầm người!

Tôi có lân la ở nhiều cộng đồng MMO (kiếm tiền Online), đa phần mọi người đều có một cái nhìn không mấy thiện cảm với những chuyên gia, nhà đào tạo này lắm.

Bản thân tôi thì lại khá là trung lập với hầu hết mọi thứ diễn ra bên ngoài “vòng kiểm soát”, bởi vì, ở trong chăn thì mới biết chăn có rận.

Thế nhưng gần đây tôi cũng gặp khá nhiều vụ bàn tán về chủ đề này trong cộng đồng Dân Đen Khởi Nghiệp. Quay đi quay lại cũng là các thắc mắc, vấn đề của thế hệ cũ được diễn đạt bởi những con người mới lớn.

Thế nên, tôi viết bài này, để trình bày một số quan điểm, cũng như là kinh nghiệm của tôi đến với những con người bình thường. Ai cần hiểu vấn đề đa góc nhìn thì đọc, không thì bỏ qua chứ văn phong của tôi dài vkl như các bài viết trong seri “Bí thuật” trước đây.

TÌM NGƯỜI DẪN DẮT ĐÚNG!

Tuổi trẻ vô định hướng, tuổi trẻ chưa trải sự đời, ai mà không muốn có một người dẫn dắt cơ chứ. Ừ, có người dẫn dắt thì có vẻ là tốt đấy nhưng tốt nhất thì vẫn cần một người dẫn dắt đúng.

Chân thành luôn, bản thân tôi thì bị fail vấn đề này trước đây nên giờ đây tôi thấm tháp lắm. Là một đứa “trai ngoan” từ thôn quê lên thành phố lập nghiệp, mọi thứ nó mới mẻ với tôi như là bước chân vào 1 vũ trụ mới.

Ở đó tôi gặp những con người, trong những bộ vest hào hoa rạng ngời, họ hiên ngang đối diện với mọi ánh nhìn, họ tự tin phô diễn những kiến thức và kỹ năng mà họ có. Với tôi, họ chính là tượng đài của sự thành công viên mãn.

Thế rồi tôi tìm đến họ với ước mơ thành công, xem họ là người dẫn dắt cho đến khi tôi nhận ra, mỗi người đều có con đường riêng của mình, và con đường mà họ đi không hề giống với con đường ước mơ của tôi.

CÂU CHUYỆN TỪ ÔNG ANH!

Tôi có quen một ông anh, ổng làm kinh doanh nhưng được cái chân thành và thẳng tính. Có chuyện gì hay ho là các ae lại ngồi lại chia sẻ cho nhau để cùng trưởng thành từ những vấp ngã của đối phương.

Trước đây, ổng làm phụ tá cho một ông thầy dạy làm giàu hay kinh doanh gì đấy cũng khá là có tiếng. Thời đấy (2016-2018) cũng là cái thời phong trào làm giàu, khởi nghiệp nở rộ cuốn tôi vào cú vấp sml đầu đời.

Ổng kể rằng ổng có tiếp nhận một học viên, theo thông tin ghi nhận thì chị ấy kinh doanh café. Và cũng giống như tôi, sự hào nhoáng cùng những lời nói thuyết phục, chạm đến tâm can nỗi đau của một người làm kinh doanh cùng ý chí quyết tâm làm giàu khiến chị ấy không thể ngó lơ ông thầy đó được.

Và rồi chị ấy tham gia khóa học, với gói đào tạo đắt tiền nhất là coaching 1-1. Thông tin chi tiết thì tôi cũng không tiện nói ra. Và kết quả thì, như các bạn có thể suy đoán: chị ấy vừa mất tiền học phí vừa bay luôn cái dự án kinh doanh của bản thân mình.

Cũng chính vì vụ ấy mà thái độ của ông anh này đối với các chuyên gia đào tạo cũng trở nên khắt khe và xét nét hẳn.

NGƯỜI DẪN DẮT ĐÚNG

Chuyện này tôi nghe, cũng không lấy làm lạ lắm. Bởi vì chính bản thân tôi cũng có trải qua rồi. Tuy vậy không phải vì thế mà tôi lại có cái nhìn ác cảm với những chuyên gia, nhà đào tạo. Ngược lại, tôi lại cảm giác tự trách bản thân nhiều hơn vì cái tội Ngờ U Ngu Muội.

Khách quan mà nói, sự thành bại trong kinh doanh còn dính dáng đến nhiều yếu tố. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, tôi cũng muốn bế ông thầy đó lên đây một chút để mà bốc tách và mổ xẻ vấn đề.

Ngẫm lại thì tôi cũng không thể nào trách những ông thầy đó được. Rõ ràng, thu nhập của những ông thầy đó đến từ học phí của các học viên. Và có ai lại chê tiền khi ai đó vứt ngay trước mặt cơ chứ. Tôi cũng không có ý chê bai trình độ của ông thầy đó, bởi vì, xét về trình độ, họ hoàn toàn có đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến bán hàng, thuyết phục khách hàng chọn mua sản phẩm của mình.

Nhưng xét về khía cạnh phù hợp, thì tôi lại không đánh giá cao ông thầy này. Cũng giống như câu cửa miệng của mấy đứa nhỏ mà tôi crush: Anh rất tốt nhưng em rất tiếc. Sự phù hợp nó có tác động và vai trò cực kỳ sâu sắc.

RÕ RÀNG, kinh doanh thì luôn có kinh doanh this và kinh doanh that, nên kiến thức kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo, bán hàng giá trị cao hoàn toàn khác so với kiến thức kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, F&B,…; kiến thức của việc kiếm tiền Offline thì cũng có nhiều khía cạnh rất là khác so với kiếm tiền Online.

Cũng giống như câu chuyện con cá và con khỉ. Con cá có thể giỏi trong việc bơi lội, lặn sâu dưới nước nhưng nó cũng không thể nào đào tạo con khỉ lặn lâu dưới nước như nó được. Hay ngược lại, con khi cho dù là chuyên gia leo trèo đến mấy thì nó cũng không thể nào dạy con cá leo trèo và bay nhảy qua lại giữa các cành cây. Riêng việc bước chân vào một môi trường lạ là nó ngủm sẵn rồi chứ chưa kể đến việc học tập.

Cho nên, muốn giỏi võ mà tìm đúng bậc thầy đạo lý thì thầy cũng bó tay. Nên vấn đề vẫn là chọn người thầy phù hợp!

TÌM THẦY Ở ĐÂU

Biết là biết bản thân mình muốn tìm người thầy, người dẫn dắt đúng đắn. Nhưng làm thế nào và tìm ở đâu thì đó là câu chuyện mà chúng ta cần đi sâu.

Cũng giống câu chuyện con cá – con khỉ ở trên. Muốn học bơi, thì ta tìm đến nơi mấy con cá đang tung tăng ngụp lặn; muốn học leo trèo, thì ta tìm đến những chú khỉ nhảy nhót trên các cành cây.

Hiểu rộng ra thì, muốn kinh doanh Café, thì rõ ràng mình cần tìm đến những người có kinh nghiệm trong ngành Café, tệ tệ gì cũng trong ngành F&B; Muốn kiếm tiền Online theo mô hình nào, thì kiếm người đã có thành tựu trong mô hình đó; Muốn kinh doanh khóa học, sản phẩm số, thì lúc này những chuyên gia, nhà đào tạo là một sự lựa chọn đúng đắn.

Nhưng nếu mà cuộc sống nó dễ dàng thế thì chẳng có động lực nào để não bộ con người tiến hóa. Cho nên muốn tìm đúng thầy chỉ đúng việc, ta cũng cần chuẩn bị một vài thứ!

BẠN CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG ĐIỀU GÌ?

Không biết quan điểm của mọi người thế nào chứ với bản thân tôi thì tôi luôn xem giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của một công việc nào đấy.

Thực tế nhiều người, không loại trừ bản thân tôi trước đây, cứ cắm đầu vào kinh doanh, kiếm tiền mà không có sự chuẩn bị nào cụ thể. Để rồi khi đối diện với những vấn đề phát sinh, họ lại chạy đôn chạy đáo đi tìm những giải pháp khắc phục tạm thời. Rồi khi thấy ai đó ra những giải pháp hay ho, họ chạy theo một cách miệt mài và chăm chỉ. Đến khi nhìn lại, họ cũng chẳng hiểu mình đang ở đâu và đang đi theo định hướng nào.

Cho nên, trước khi tìm đến các thầy đào tạo, chuyên gia, thì tự thân mỗi người cũng cần chuẩn bị những điều sau (kinh nghiệm cá nhân, ai muốn áp dụng thì cần cân nhắc):

Định hướng

Rõ ràng muốn học võ thì tôi chọn những người thầy giỏi võ, muốn học kinh doanh Café thì tôi chọn những người thầy đã kinh doanh trong lĩnh vực Café lâu năm, hay muốn học bán hàng, tôi chọn những bậc thầy chốt Sale.

Câu chuyện ở đây là, ở bất kỳ lĩnh vực nào bạn cũng có thể gặp những người thầy giỏi. Vấn đề là bạn muốn đi theo con đường nào mà thôi.

Xây dựng nền tảng

Với bản thân tôi, và tôi cũng thường đề cập trong các bài viết bí thuật của mình, việc xây dựng nền tảng là điều cơ bản và cần thiết trước khi triển khai bất kỳ công việc gì. Người ta thường nói đùa rằng: Nhà cần có nóc! Nhưng ít ai đề cập đến việc: muốn xây được nhà thì cần cái móng. Móng càng vững thì ngôi nhà càng chắc chắn.

Hay cụ thể là trong bài viết bí thuật lùa gà, tôi cũng đã có đề cập đến cái nguyên nhân khiến cho nhiều người bị lùa gà đó là vì thiếu kiến thức nền. Nên lúc vào lĩnh vực mới họ đáp ngay ở đỉnh phong trào, trở thành gà bất đắc dĩ!

Mà một khi đã nắm được cái nền, ít nhất bạn sẽ biết bản thân mình cần học gì, bổ sung gì cho đúng cái định hướng và mục tiêu của bản thân. Chứ nói đi thì cũng nói lại, kiến thức là vô hạn, không có cái nền, ai rồi cũng sẽ cảm giác quá tải với những mớ kiến thức mới. Mà nhiều khi chả biết nó là kiến thức hay là các trò đùa của các thầy bà nữa.

Chưa kể ngoài kia có biết bao khóa học mang hơi hướng l.ừ.a đ.ả.o dạng làm giàu nhanh mà được VTV lên phóng sự thường xuyên. Câu chuyện quay đi quẩn lại vẫn là: không có kiến thức mà cố đu theo làm chân rết cho các mô hình đó thì sớm muộn gì đời cũng vất vả một quãng.

Nguồn lực

Nguồn lực, hiểu một cách đơn giản ở quy mô cá nhân là quỹ thời gian, tài chính, sức khỏe, kiến thức nền … để có thể theo đuổi một khóa học hay chương trình đào tạo nào đó.

Tôi biết một chương trình đào tạo tiếng Anh cực hay, gọi là trung tâm nội trú tiếng Anh TAT – nơi mà học viên có thể thành thục tiếng Anh giao tiếp trong quãng thời gian cực ngắn 1-3 tháng. Tuy chương trình và môi trường học nó hay là vậy nhưng nó đòi hỏi sự tập trung cực kỳ cao trong một khoảng thời gian để có thể nhận được kết quả như mong đợi.

Hay có những chương trình đào tạo chuyên sâu, có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu… Nhưng để tham gia các khóa học đó thì ít nhất bản thân người học viên phải là những người có đủ thời gian, khả năng và thực lực để thẩm thấu và áp dụng kiến thức các khóa học đấy cho bản thân.

Tôi chứng kiến một vài trường hợp, là Newbie chưa có kiến thức nhưng lại ham hố các khóa học với các kiến thức nâng cao. Kết quả là không đủ sức để thẩm thấu và lĩnh hội nổi. Coi như tốn tiền học phí.

Làm gì cũng cần có thời gian thẩm thấu và chuyển hóa. Gặp được người thầy dẫn dắt từ a đến á thì tốt. Nhưng mà kiểu thầy này khó gặp cực.

Định hình mục tiêu

Cũng tương tự như định hướng, việc thiết lập sẵn mục tiêu trong đầu là điều cần để mà sự học nó đỡ lan man. Khổ thân nhất là mấy bạn, đăng ký tham gia các khóa học nào đấy, rồi học xong để đó vài ngày rồi lại quên. Bởi vì não bộ nó đâu có nhớ mấy thứ linh tinh mà ít khi mình động đến.

Nhưng mấy bạn định hình trước mục tiêu thì khác, vừa học, họ vừa áp dụng kiến thức của người thầy phục vụ cho cái mục tiêu của mình luôn. Đến khi học xong, thì ít nhất họ cũng đạt được kết quả nhất định hay trang bị được kỹ năng nào đấy trong quá trình vừa học vừa làm rồi.

Vậy đấy, người ta làm đào tạo, cũng là một ngành nghề, cũng là nguồn thu nhập cho người ta, nên đâu có gì là sai trái đâu (trừ cái tụi lừa đảo ra). Cái sai là do bản thân mình không tìm đúng thầy để giải quyết đúng vấn đề của mình mà thôi.

Cho nên đừng có cậy bản thân là Newbie rồi vênh váo đi nhờ người khác giúp đỡ nữa. Cứ trao dồi phát triển kiến thức nền ổn ổn trước rồi chủ động tìm kiếm những người thầy phù hợp sau!
Nói nhảm thế đủ rồi. Tôi đi khởi nghiệp tiếp đây!