Nhân trị hay pháp trị?

Đây là một tấm hình rất “đẹp” của Zing. Mình xin nhấn mạnh là báo điện tử Zing News (nếu nhiều người vẫn nghĩ Zing là “trang web game nhạc giải trí vớ vẩn” dành cho trẻ con).

Chữ “đẹp” cũng được để trong ngoặc kép, để các nhà đạo đức mạng không nhảy vào ném đá mình cười trên nỗi đau của người khác.

Thế giới di động bị cháy

Thế giới di động bị cháy

Hình này đẹp, vì thể hiện được cái khốc liệt của đám cháy mà không phải viết nhiều.

Có thể tấm hình do ai đó vô tình chụp được gửi cho Zing, hoặc do phóng viên của Zing tự tìm góc chụp và tác nghiệp. Nhưng cuối cùng, nó được Zing sử dụng, và truyền tải đến cả triệu người.

Sau đó, ICTNews dùng lại để minh hoạ cho một bản tin ngắn. Trong đó nói rằng vì “nhận thấy phía garage ô tô Thần Châu cũng bị thiệt hại nặng nề” và “đã mua bảo hiểm” nên hiện tại, Thế Giới Di Động chưa tính chuyện yêu cầu phía gara ô tô phải bồi thường.

Chính vì mấy câu ngắn ngủi đó, mà mình thấy tấm hình này của Zing còn đẹp hơn cái đẹp mà nó vốn có từ đầu. Nếu biết rằng, Thế Giới Di Động là một công ty “sẵn sàng” cho nghỉ việc hàng chục cán bộ quản lý cấp cao khi phát hiện gian dối; sẵn sàng làm đơn thưa nhân viên ra toà khi có dấu hiệu phạm pháp, thì bạn sẽ thấy logo công ty này hiện lên giữa biển khói đen hung tợn vừa ngạo nghễ, vừa vững chãi, đầy sức mạnh mà vẫn rất nhân văn.

Chủ đề “nhân trị” hay “pháp trị” vốn là thứ mà bất cứ CEO nào cũng phải đau đầu suy nghĩ và lựa chọn. Người ta nói, tuỳ thuộc vào phong cách lãnh đạo của mỗi người mà có lựa chọn phù hợp nhất. Nhưng rõ ràng trong đám cháy khủng khiếp này, cái pháp trị cứng nhắc (yêu cầu tất cả siêu thị phải mua bảo hiểm) đã trở thành nền tảng vững chắc để yểm trợ cho yếu tố nhân trị mềm mỏng (thông cảm với gara bị cháy) mà trong một hoàn cảnh bình thường, sẽ nhiều người thấy là không cần thiết hoặc quá lo xa.

Xin chúc mừng Thế Giới Di Động vì đã tạo ra được một hình ảnh thương hiệu rất đẹp trong vụ và cảm ơn Zing vì đã ghi lại khoảnh khắc này.