Đăng ký nhãn hiệu nhưng không sử dụng có được không?

Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa không có mục đích tự thân, không phải là mục đích cuối cùng. Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nhằm mục đích đưa nhãn hiệu hàng hóa vào sử dụng trong thực tiễn thương mại để đạt được các mục tiêu đề ra của việc bảo hộ. Sẽ là vô nghĩa khi nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ nhưng rồi chúng lại không được sử dụng trong đời sống thương mại.

Mặc dù đa số pháp luật các nước cũng như các điều ước quốc tế yêu cầu không được coi sử dụng nhãn hiệu như là một điều kiện để nộp đơn đăng ký (khoản 3 Điều 15 Hiệp định TRIPS; khoản 3 Điều 6 Chương 2 Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ) song sử dụng nhãn hiệu luôn là một nghĩa vụ pháp lý của chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Quy định bắt buộc này nhằm bảo vệ lợi ích của những người liên quan, tránh tình trạng “phong toả không lành mạnh” bằng cách đăng ký những nhãn hiệu hàng hóa mà trong khoa học pháp lý gọi là “nhãn hiệu bảo vệ” chưa có nhu cầu sử dụng, nhằm ngăn các chủ thể khác (những người thực sự có nhu cầu đối với nhãn hiệu đó) đăng ký một nhãn hiệu tương tự. Ngoài ra, quy định nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu cũng nhằm vào một số mục đích khác như làm nhẹ bớt gánh nặng thẩm định đơn và xem xét khiếu nại của bên thứ ba…

Tuy nhiên, một ân hạn về thời gian là cần thiết cho các chủ thể kinh doanh trước khi thực hiện nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu hàng hóa. Thời gian ân hạn là khoảng thời gian tối đa do pháp luật quy định mà chủ nhãn hiệu hàng hóa được phép không sử dụng liên tục nhãn hiệu hàng hóa của mình mà không mất quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Để tránh bị các đối thủ cạnh tranh khác đăng ký thương hiệu mà mình dự định sử dụng, các doanh nghiệp này thường muốn đăng ký càng sớm càng tốt các nhãn hiệu hàng hóa mới ở những nước dự định sẽ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gắn nhãn hiệu. Thậm chí ngay tại quốc gia nơi doanh nghiệp có quốc tịch hay trụ sở chính, doanh nghiệp cũng thường mất nhiều năm trước khi đưa sản phẩm mới ra thị trường. Cho nên, có thể thấy việc quy định nghĩa vụ sử dụng và thời gian ân hạn là biểu hiện của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực pháp luật bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Trước đây, pháp luật Việt Nam quy định vấn đề nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và thời gian ân hạn không sử dụng tại Bộ luật dân sự 1995 (điểm c khoản 1 Điều 793) và Nghị định 63/CP (điểm c khoản 2 Điều 28), theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa phải sử dụng hoặc chuyển giao quyền sử dụng trong thời hạn do pháp luật quy định kể từ ngày văn bằng bảo hộ có hiệu lực. Thời gian ân hạn không sử dụng là 5 năm liên tục.

Hậu quả của việc không tuân thủ nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu là Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa bị đình chỉ hiệu lực. Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trên cơ sở xem xét đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực của bất kỳ bên thứ ba nào.

Theo quy định tại Điều 95 và 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 05 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng thì văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu lại trước ít nhất 03 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau:

  • Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh.
  • Lưu thông, chào bán, quảng cáo dể bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ.
  • Nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ

Có thể thấy, nếu như pháp luật Hoa Kỳ (mà chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau) yêu cầu hàng hóa, dịch vụ gắn nhãn hiệu phải được đưa vào kinh doanh trên thị trường thì theo pháp luật Việt Nam, chủ nhãn hiệu không nhất thiết phải đưa hàng hóa dịch vụ gắn nhãn vào kinh doanh như vậy thì mới được thừa nhận là sử dụng nhãn hiệu hàng hóa.

Một điểm nữa cần lưu ý là pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam chưa quy định việc phải công nhận những điều kiện phát sinh ngoài ý muốn của chủ nhãn hiệu gây cản trở cho việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, chẳng hạn như việc Chính phủ hạn chế nhập khẩu hoặc quy định các yêu cầu khác đối với các hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu là lý do chính đáng của việc không sử dụng. Đây cũng là một nội dung được quy định tại chương 2 khoản 9 Điều 6, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ mà Việt Nam có nghĩa vụ phải nội luật hoá.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam