SEO lên TOP không bán được hàng, nguyên nhân do đâu?

Rất nhiều bạn đã hỏi minh: Em seo từ khóa lên TOP rất nhiều từ khoá ngành, nhưng không ra đơn, tỷ lệ chốt đơn thấp hoặc doanh số, lợi nhuận không bù nổi khoản ngân sách SEO đã đầu tư, vậy nguyên nhân là gì?

SEO là hoạt động tối ưu hoá nhằm vào đối tượng cụ thể (web, video, map, fanpage,…) để giúp đối tượng đó được đánh giá cao và xuất hiện trên công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Baidu,…)

Vậy khi đã xuất hiện TOP cao trên công cụ tìm kiếm nghĩa là bạn đã làm đúng và đạt được tiêu chí SEO.

Nhưng vì sao bạn không bán được hàng? Hoặc bán được nhưng doanh số không cao, lợi nhuận không bù đủ chi phí làm SEO (hoặc thuê SEO)?

Mình thường trao đổi với những người anh em thân thiết rằng: hãy nghĩ tới 3 từ KINH DOANH SEO

Đúng vậy, làm SEO hay thuê SEO bây giờ quá dễ để đạt được KPI rồi. Điều cần có chỉ là TIỀN và THỜI GIAN. Trong đó tiền là yếu tốt quyết định lớn cho một cuộc chơi lớn ở phân khúc cạnh tranh khốc liệt.

Tại sao mình nói rằng: SEO bây giờ quá dễ để đạt KPI, nếu bạn có tiền và rất nhiều tiền thì bạn thích TOP có TOP, bạn thích bao nhiêu traffic có bấy nhiêu traffic, các chỉ số khác càng izgame (backlink, DR, UR, DA, PA, TF,…)

Vậy cuối cùng mục đích của SEO là gì? Hay nói cách khác mục đích của việc tối ưu và đạt KPI là gì? Có phải vẫn là BÁN HÀNG: tạo ra doanh thu và lợi nhuận.

Vậy tại sao bạn không đi thuê đơn vị SEO và nói: tôi không cần biết bao nhiêu keyword lên TOP, kéo được bao nhiêu traffic/ tháng mà chỉ cần lợi nhuận bán hàng từ web phải đạt ABC hay XYZ này,…. Xin thưa: CÓ CÁI NỊT

Rồi, vậy giờ bàn sâu hơn chủ đề chính hôm nay nào:

Vì sao seo lên top nhưng không ra đơn hàng?

Bạn cần trả lời các câu hỏi sau đây:

1. SEO cho Google hay cho khách?

Lên TOP ở những từ khoá nói về cái mình có, sản phẩm và dịch vụ mình có nhưng chưa đáp ứng thoả mãn cái khách hàng cần.

Google là một cỗ máy, nó luôn muốn trả về kết quả đáp ứng tốt với ý định tìm kiếm của người dùng, nhưng không phải lúc nào cũng đúng.

Ví dụ: khi chọn mua một cái micro thu âm, tôi gõ: “micro chống ồn loại tốt”.

Tôi đã click vào hết kết quả trang 1 và qua cả trang 2, nhưng kết quả thì nói thật: toàn vớ vẩn. Với những bài review hay toplist thì quá nhảm rồi, không có một chút kiến thức nào về sản phẩm mà cũng đúng, vì nó được viết bởi những “thợ viết”. Còn một số web bán hàng lên TOP thì hầu như cái giá trị “thu âm tốt, chống ồn tốt” mang tính tham khảo, na ná nhau và rồi đọc xong méo biết cái nào tốt để chọn.

Kết luận: lên TOP đấy, nhưng nội dung chỉ đáp ứng cho “Google”, rao bán cái mình có mà không bán cái khách cần.

Lên TOP cao nhưng nội dung thì công thức, chẳng rõ ràng và mang giá trị thật cho khách hàng, chỉ chăm chăm đáp ứng các tiêu chí “chuẩn SEO” để được TOP.

2. Lên TOP nhưng cái khách cần nó “khác” TOP

Tôi gõ tìm cái máy Mac mini M1 vào năm ngoái, sau khi xem các bài TOP của TGDĐ, Gear, FPT, CellphoneS,… tôi click qua trang 2 và trang 3 và cuối cùng chọn mua sản phẩm tại một cửa hàng “không TOP”.

Lý do: với những sản phẩm đặc thù có thương hiệu, chính hãng, bảo hàng toàn cầu,… thì mua ở đâu cứ fullbox và có đầy đủ chế độ chính sách chính hãng là được, điều tôi quan tâm là giá và khâu giao hàng. Chẳng cần quan tâm thương hiệu của đơn vị bán là to hay nhỏ. Nên tôi không mua ông TOP mà mua ông trang 3.

Kết luận 2: Lên TOP cao nhưng giá bán cao, có chút thương hiệu nên đôi khi “chảnh chúa” hoặc đơn giản dù có thương hiệu nhưng “khách hàng ghét thằng chủ tịch đạo đức giả, và lắm phốt”

3. Tôi TOP đấy, nhưng tôi là ai? đố khách biết

Khi gõ tìm một sản phẩm bình pha cà phê Brikka của Ý, tôi tìm thấy khá nhiều đơn vị bán lên TOP, nhưng rồi tôi chọn mua cái web nằm TOP 8 thay vì các TOP trên.

Lý do: không chỉ bài viết mô tả thể hiện được sự chuyên nghiệp, đầy đủ thông tin, hình ảnh và video chi tiết, chế độ giao hàng và bảo hành đầy đủ,… hơn hết footer họ là một công ty với thông tin doanh nghiệp rõ ràng, và dĩ nhiên tôi chọn vì sự an tâm này hơn là mua của mấy shop “ất ơ” trên shopee, hay các TOP trên.

Kết luận 3: lên TOP cao nhưng giá trị về thương hiệu không có, không đầu tư về độ uy tín của mình: mở công ty, đầy đủ thông tin về MST, địa chỉ, hotline,…

4. Bán chác gì? Thôi kệ, TOP bằng mọi giá cái đã

Tôi gõ tìm Pallet nhựa, tôi click vào TOP thấy một trang web sơ sài, nội dung không rõ ràng và sản phẩm trình bày cũng thiếu chuyên nghiệp. Tổng thể web nhìn rất “xấu xấu” nhưng điều tốt vừa thấy là quay gót bấm X ngay: phía cuối bài có cái “mã CODE”.

Vì có chuyên môn nên những thứ trên tôi nhìn ra (thị trường khách hàng thì có thể không nhìn ra nên có khi vẫn chọn mua). Cái việc tôi quay gót là vì có chuyên môn nên tôi hiểu: web đấy bơm traffic user để lên TOP chứ nó chả có cái vẹo gì là uy tín, thương hiệu để ngồi đó cả (giống thời xưa mấy tham quan bỏ tiền mua chức tước rồi ngồi vị trí cao chứ chả có cái vẹo gì tài năng: tôi ghét loại này.

Kết luận 4: lên TOP cao nhưng không đầu tư từ gốc, xây nhà từ nóc nên thiếu đi sự tin tưởng và chuyên nghiệp.

5. Tôi TOP cao nhưng khách tôi cần là “giá rẻ”

Tôi lên Google tìm mua 300 cái thùng rác công cộng cho dự án Khu đô thị, tôi gõ và thấy các vị trí TOP đều có những con web chuẩn chỉnh, và cũng là các doanh nghiệp chứ không phải dạng ất ơ gà mơ.

Nhưng là một nhân viên thu mua, tôi cần lấy đủ 5 bảng báo giá để trình lên sếp duyệt, vì vậy tôi đã liên hệ cả 10 vị trí TOP đầu để xin bảng báo giá và tự loại ra những bảng giá cao, hoặc thiếu chuyên nghiệp. Gom đủ 5 báo giá trình sếp, dĩ nhiên sếp duyệt đơn vị nào quyền của sếp và đơn vị có xếp hạng TOP 1 trên Google chắc gì sếp chọn.

Kết luận 5: lên TOP cao không chắc bán được hàng là vì bảng giá cao, khâu chào hàng kém chuyên nghiệp.

6. Tôi bự nhất thành phố, nhưng khách tôi toàn ở nông thôn

Khi tôi cần đơn vị làm cái vách ngăn chỗ văn phòng công ty, tôi sẽ chẳng bao giờ gõ “thiết kế nội thất”, “thi công nội thất” “thi công vách ngăn”,…

Thay vào đó tôi gõ: đơn vị thi công vách ngăn Biên Hoà hoặc làm vách ngăn alu giá rẻ,…

Túm lại thứ tôi cần là kết quả chính xác, kể cả là keyword chẳng có ma lượng search nào trên công cụ nghiên cứu từ khoá của các anh em SEO hay dùng.

Vì sao? Vì tôi không muốn mấy cái ông SEO đỉnh TOP show ra trước mắt với cái web có hàng trăm ngàn keyword volume cao lên TOP, trong khi đơn vị đó cách chỗ tôi 1000km hoặc nó là cái đơn vị méo có liên quan vách ngăn alu.

Kết luận 6: có thể lên TOP hàng ngàn từ khoá, nhưng cũng chính giờ kết quả Google quá hầm bà lằng nên khách thích từ khoá dài và chính xác địa lý hơn, đỡ tốn thời gian ngó thấy web của “bọn đỉnh SEO”.

7. Bài lên TOP không phải viết mà là được “ghép chữ”

Hầu hết những bên nằm trên TOP thì đều làm SEO hoặc thuê SEO, và chi phí cho việc ngồi chễm chệ lên đó không nhỏ nên giá cả họ cũng cao hơn.

Content đa số do bên đội SEO thuê outsource và được biên tập bởi các “thợ ghép chữ” nên đọc chả có cái vẹo chuyên môn gì.

Có câu chuyện vui từ một bạn content writer nói: ngày xưa tao đọc bài trên Google và tao tin lắm, thậm chí bệnh còn lên đó xem cách chữa, nhưng từ ngày tao nhận viết content cho các đơn vị SEO giờ tao mới hiểu: mấy bài đọc hùng hồn cả một bầu kiến thức trên Google là do những đứa như tao ngồi “ghép chữ”.

Kết luận 7: Content phải là cảm xúc, xuất phát từ cảm xúc bao giờ cũng chạm được vào trái tim nhau qua từng con chữ, đừng cố tạo ra những dòng văn bản “chuẩn SEO” đầy khô cứng.

8. Tôi TOP trùm trên Google nhưng khách tôi không ai mua online

Lên TOP trùm từ khoá nhưng vẫn không bán được món nào thông qua kết quả TOP bởi vì khách cần đến xem trực tiếp sản phẩm và được nghe tư vấn?

Kết luận nhanh: ngành của bạn méo ai lên mạng mua hàng, hoặc có lên xem và tham khảo nhưng hành động mua hàng diễn ra bên ngoài (họ tới cửa hàng cũng chẳng nói: tôi xem trên web rồi tới)

CUỐI CÙNG:

Bài toán kinh doanh có muôn vàn cách giải, nhưng kết quả thì chỉ có ĐÚNG hoặc SAI.

Đúng thì thành công, phát triển, kiếm ra nhiều tiền và mang lại giá trị cho xã hội.

Sai thì thất bại, phá sản và có khi trở thành gánh nợ cho xã hội.

Cho nên việc lựa chọn làm SEO, thuê SEO, thì mỗi doanh nghiệp phải tự tính toán về ngân sách, mục tiêu, kế hoạch và thời gian để cân đối.

Nếu loại từ những anh em làm MMO thì hầu như SEO chỉ chiếm một phần trọng số nhỏ trong kinh doanh (mà có khi còn thua Ads).

SEO chỉ một hạng mục nhỏ trên đối tượng cần SEO (web, map, video,…) mà ở đó có nhiều thứ lớn hơn hay gọi chung là digital marketing, lớn hơn nữa là cả phòng marketing, cả hệ thống và chiến lược triển khai marketing cũng chỉ nằm nhỏ gọn trong một cái doanh nghiệp lớn hay tập đoàn đa ngành.

Vậy nên nếu xem SEO quá thần thánh hoá ở kết quả TOP, cũng như kỳ vọng quá nhiều vào vị trí TOP, số lượng từ khoá, lượng traffic,… thì câu chuyện: lên TOP nhưng không bán được hàng chẳng có gì là lạ cả.