Thế nào mới xứng đáng là người Leader

Có rất nhiều sách vở nói rằng leader phải có đủ cả tá tố chất rồi điều kiện cần, điều kiện đủ v.v nọ kia một người leader phải đáp ứng nhưng tớ xin tổng hợp lại một số dễ hiểu dưới đây cho các anh em đang trong cương vị leader cùng đọc.

1, Leader phải là người lãnh đạo, dẫn lối trong công việc

Chính xác ngay từ danh từ, một leader không nhất thiết phải giỏi hơn toàn bộ thành viên khác về kỹ thuật mà hơn ở chỗ họ có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt và đường lối cho cả nhóm người chỉ tư duy được về khía cạnh kỹ thuật. Leader không lãnh đạo được teamwork của mình thì một là teamwork tan rã hai là tự họ sa thải họ khỏi teamwork vì anh ta không chứng minh được mình hơn những thành viên khác ở điểm nào.

2, Leader là lãnh đạo, thủ lĩnh trong tinh thần

Tinh thần làm việc đội nhóm rất quan trọng, giữa những người kỹ thuật với kỹ thuật họ sẽ liên tục có xung đột và mâu thuẫn. Chưa kể teamwork này mâu thuẫn với teamwork khác trong một bộ máy. Nếu leader để cả teamwork của mình luôn trong tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn, tiêu cực và chán nản sớm muộn gì cũng thất bại. Ở đây xin dừng nhầm lẫn giữa việc áp lực công việc và mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Người làm kỹ thuật mức cơ bản có thể bị nhầm nhưng tuyệt đối từ vị trí leader buộc phải phân biệt rõ để có thể dẫn dắt tinh thần cho cả nhóm. Không ai muốn nghe theo, không ai muốn đi cùng một leader chỉ luôn khiến họ mệt mỏi, tiêu cực cả.
Hơn nữa nếu một leader không được sự đồng thuận và tuân theo của cả teamwork thì kết cục sẽ là thất bại rõ ràng.

3, Leader là người đảm bảo quyền lợi cho teamwork

Một nhân viên “thấp cổ bé họng” rất khó để có thể thay đổi được cục diện trừ phi anh(cô) ta có năng lực chuyên môn tốt đến mức có thể thay đổi toàn cục. Chuyện này hiếm bởi những người như vậy không cần xin thì lãnh đạo cũng sẽ cất nhắc họ lên vị trí cấp cao quan trọng (key). Vấn đề quyền lợi, mối quan hệ lợi ích bao giờ cũng là mối quan hệ bền chặt nhất. Khi lead không thể giữ được quyền lợi cho teamwork của mình thì đây là thất bại của lead, không phải thất bại của teamwork cũng hoàn toàn không phải lỗi của đối tác hoặc công ty. Một công ty với nhiều teamwork mỗi teamwork như những công ty nhỏ không những cần một dòng tài chính mà cần cả những quyền lợi như vị trí, quyền quyết định, quyền tham gia bởi vậy lúc này không chỉ phải quan tâm đến công việc cần thực thi mà leader phải quan tâm cả đến quyền lợi. Tầm nhìn ngắn hay dài không quan trọng bằng việc kết quả của chặng đường có tạo ra lợi ích gì cho teamwork hay không. Nếu thấy hoàn toàn không có lợi ích gì xin đừng nhận vào để làm khổ hơn các thành viên trong teamwork của mình.

4, Leader là người cần nhanh chóng học hỏi và thăng tiến

Từng cấp bậc trong mô hình làm việc có tổ chức đòi hỏi càng lên cao càng có tư duy, tầm nhìn chung cũng như khả năng chuyên môn. Thời gian làm leader có thể ngắn hay rất lâu cũng bởi năng lực của người đó. Hãy để ý nếu vai trò của bạn không được nâng lên, nếu thời gian làm công việc leader kéo quá dài hãy suy nghĩ thật kỹ bởi rất có thể công việc đó sẽ kéo tụt cả tuổi thanh xuân cả những cơ hội hiếm hoi của cuộc đời. Leader cần học hỏi thật nhiều và nhiều hơn cả nhân viên thậm chí là ông chủ. Nếu không làm được điều đó thì xin cảnh báo trước với bạn kế hoạch 5 năm trở thành 50 năm mất. Đừng tin mấy câu chuyện một ông làm lái xe 50 năm rồi trở nên giàu có như ông chủ, cổ tích ấy do mấy ông chủ họ thích thì họ vẽ ra thôi.

5, Leader là chặng, không phải là nghề

Đừng nghĩ rằng cả đời bạn sẽ làm leader vì trước sau gì bạn cũng lên hoặc xuống. Lên là lên vị trí cao hơn hoặc trở thành ông chủ đầu tư. Hoặc xuống là xuống vị trí phụ tá hoặc mainkey của các ông sếp lớn. Thật ra đều là lên cả nhưng lên tới đâu còn tùy thuộc vào kế hoạch của leader đó. Tớ ví dụ như các leader nhà tớ sau chặng 6 tháng tới 1 năm đều được định hướng trở thành chủ của một doanh nghiệp nhỏ. Họ đã làm rất tốt và lần lượt thoát khỏi cảnh làm “cu li” cho công ty mẹ. Đương nhiên tớ cũng không vui vẻ gì khi giữ đám này quá lâu.

6, Leader giỏi phải biết kế thừa

Phần này rất quan trọng, mọi bộ phận cần có kế thừa mà đã là sản phẩm ra sau phải là sản phẩm tốt hơn. Tớ chia sẻ một bí mật trong công việc ở Xteam hay các Teamwork trước đây tớ tham gia đó là mỗi vị trí sau khi rời đi sẽ tự bổ xung vào tối thiểu 2 vị trí tốt tương đương hoặc tốt hơn vị trí cũ. Vậy là các bạn thăng tiến cứ thăng tiến, công việc cũ vẫn cứ phát triển, doanh nghiệp cứ thế đi lên mà nhân viên cấp thấp nhất cũng luôn cố gắng để trở thành người kế nhiệm. Thử nghĩ xem nếu không có kế thừa mỗi khi các leader rời khỏi vị trí thì mọi công việc kế hoạch bị đảo lộn hoặc nếu có thể tuyển mới công ty, tổ chức hay teamwork cũng bị khủng hoảng ít nhiều. Nếu leader cứ tự ý bỏ đi mà không hề có backup thì không fairplay. Bạn được doanh nghiệp chi trả, được đào tạo, được có môi trường, được chịu mọi rủi ro mà khi ra đi bạn tạo ra rủi ro cho công ty hoặc gián tiếp tổn hại tới doanh nghiệp thì bạn thật tệ, thật sự rất tệ. (Bạn có muốn sau này công ty của mình sẽ như thế chứ?).

Từng trải qua vị trí này nên rất thấu hiểu và thông cảm với các bạn, các anh chị đang nắm giữ vai trò. Chúng ta mỗi người ở mỗi hoàn cảnh khác nhau nên thật khó có thể đảm bảo hoàn chỉnh những điều trên nhưng hãy thật cố gắng để đảm bảo ở mức tốt nhất. Đó chính là trách nhiệm của người lãnh đạo. Bạn không còn là một nhân viên bởi vậy nên không thể tiếp tục sử dụng tư duy và cách làm việc của một nhân viên đơn thuần. Hãy luôn nhớ một điều rằng khi bạn đi làm thuê như thế nào mai sau bạn sẽ xây dựng doanh nghiệp của mình như thế. Chúng ta có thể ngụy biện cho sai lầm hoặc yếu kém bây giờ nhưng nếu cứ tiếp tục trong tương lai thứ chúng ta phải trả giá sẽ là thất bại. Mong các bạn luôn thành công và hoàn thành tốt nhất các nghĩa vụ trên chặng đường sự nghiệp của mình.