Lời bình về Vòng eo 56

Trước tiên, phải khen diễn xuất của Ngọc Trinh. Sau đây, nếu như hết thời người mẫu, Trinh hoàn toàn có thể bước sang lĩnh vực điện ảnh, chững chạc như một diễn viên thực thụ có bài bản học hành.

Trong Vòng eo 56, Trinh rất biết tiết chế cảm xúc-điều chỉ những diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp mới làm được. Ngồn ngộn những tình tiết, tình cảm cha-con, mẹ ghẻ- con chồng, anh-em, Tiệp-Trinh, xúc động ứa nước mắt qua diễn xuất của Trinh. Chuyển động cơ thể tuy còn cứng của người mẫu nhưng bù lại, cô có ánh mắt “vàng” của cinéma. Ngây thơ đấy nhưng sắc lẻm ngay đấy, hiền hậu đấy mà lì lợm cũng ngay đấy.

Thế hệ người mẫu-diễn viên hiện nay, ko ai có được ánh mắt ấy.

– Bộ phim bộc lộ sự lười nhác của Vũ Ngọc Đãng. Lười nhác lộ liễu không buồn che dấu.

Nửa đầu phim là tuổi thơ nghèo khó của Trinh. Đãng không tìm ra (hay không chịu tìm) cách thể hiện nào khác hơn là nhà dột và bị nợ đòi. Mưa liên miên suốt nửa phim để phục vụ cho “tứ” nhà dột và những cảnh bị nợ đòi, sống sượng không thể chịu nổi.

Vòng eo 56

Vòng eo 56

Nửa sau phim, là cuộc tình với đại gia. Kịch bản (có lẽ) rất muốn thuyết phục người xem, tiền bạc ở đây đã đến sau tình cảm. Tuy nhiên, Đãng lại không tìm ra nốt chi tiết nào làm điểm nhấn khả dĩ, ngoài hai nhân vật chính tự gào lên Trinh không làm gái.

Lê thê những cảnh đồng lúa, bãi biển không mục đích biểu hiện. Hai bài hát của Việt Anh “trớt quớt” không dính đâu với đâu, xét cả tâm lý nhân vật lẫn hình ảnh trên màn ảnh.

– Vòng eo 56 không tồi tệ đến mức như báo chí đã điểm. Nó đáng xem và cảm động. Nó mở ra một loại giá trị mới, giá trị của nhan sắc. Thành kiến xã hội lâu nay khiến chúng ta coi mọi sự quy đổi của giá-trị-trời-cho này là suy đồi, nay ngược lại. Sự ngược đổi đáng cổ khuyến hơn là bài xích.

Riêng tôi, tôi tin Trinh- ngoài- đời là cô gái xứng đáng với những gì cô được hưởng hiện nay, sau khi xem Trinh- điện- ảnh.