Luật sư và những vụ án giết người – hậu quả đau lòng từ mâu thuẫn đòi nợ

Những vụ án giết người mà tôi tham gia trong vai trò là Luật sư bào chữa cho bị cáo, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, đều có hậu quả chết người mà xuất phát từ mâu thuẫn đòi nợ thuộc về quan hệ xã hội.

Đối với bị hại: có khi là con nợ, có khi là chủ nợ và khi còn chẳng can hệ gì đến cho và vay nợ, nhưng rồi họ cũng trở thành những người xấu số thiệt phận và mất mát ra đi vĩnh viễn.

Còn về bị cáo: có bị cáo là con nợ, có bị cáo là chủ nợ và còn cả bị cáo cũng chẳng can hệ gì đến việc cho và vay nợ, nhưng rồi họ cũng chịu một số phận là nhận sự trừng trị của pháp luật, và cũng là mất mát đối với chính cuộc đời của họ.

Khi Luật sư tôi bào chữa cho bị cáo, nhiệm vụ tối cao nhất của tôi là sử dụng tất cả biện pháp có thể để đạt đến quyền lợi tốt nhất cho bị cáo: làm giảm nhẹ tội cho họ.

Khi Luật sư tôi bảo vệ quyền lợi cho bị hại, nhiệm vụ tối cao nhất của tôi là sử dụng tất cả biện pháp có thể để đạt đến quyền lợi tốt nhất cho bị hại là: nhận được bồi thường ở mức cao nhất có thể (quyền lợi nhận được cân đối với khả năng của bị cáo)

Tôi không bao giờ làm và từ chối thực hiện trên yêu cầu của gia đình bị hại theo chiều hướng: giết người đền mạng, phải đề nghị tử hình bị cáo, phải làm căng ở mức cao nhất để bị cáo phải bồi thường nhiều tiền…nếu bị cáo tử hình, có làm giảm đi mất mát cho bị hại không, nếu bị cáo tử hình vấn đề giải quyết hiện tại của bị hại là gì. Việc xử lý là nhiệm vụ của pháp luật. Sử dụng quyền của bị hại thì cũng chỉ đi đến chân lý đúng pháp luật và đòi hỏi sự công bằng. Nếu bị cáo tử hình, ai sẽ bồi thường cho bị hại, nếu bị hại không cần bồi thường, thì cho dù bị cáo có ăn năn hối cải có thể hiện khắc phục hậu quả như thế nào đi chăng nữa thì cũng cần hiểu 1 điều: khả năng của họ đến đâu, không nên căng thẳng và dồn nhau vào thế đường cùng, nếu bị cáo hối lỗi, thể hiện bằng việc bồi thường trên thực tế có thể thỏa thuận được với nhau, vậy thì nên chăng, về tình người lẽ sống bị hại cần có sự tha thứ (gắn với từng vụ án cụ thể đặc biệt đối với vụ án có sự khởi nguồn từ phía bị hại hoặc bị hại có 1 phần lỗi hoặc ngay cả khi vụ án bị hại không có lỗi, tôi cũng khuyên và định hướng cho họ đến việc thỏa thuận bồi thường là tốt nhất!)

Đây chính là vấn đề của pháp luật và sự công bằng của pháp luật.

Do ở vị trí được pháp luật xem xét bảo vệ về quyền lợi được bồi thường, cho nên, những vụ án có bị hại tỷ lệ mời Luật sư là thấp, không nhiều, vì pháp luật đã đặt ra trước tiên là bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhưng xu thế gần đây, việc bị hại mời Luật sư đã nhiều hơn xuất phát từ nhận thức nên việc có Luật sư cũng là quyền chính đáng!

Tôi không bao giờ đề nghị ai đó tử hình, càng không đánh giá hành vi mức độ dã man hay phi nhân tính, (trong thuật ngữ pháp lý đánh giá hành vi là mức độ khác nhau từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng), tất cả phải được xem xét khách quan, toàn diện của vụ án về các tình tiết trên cơ sở pháp luật.

Bảo vệ cho bị hại hay bào chữa cho bị cáo cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật, những thủ thuật bên ngoài pháp luật chỉ gây thêm hận thù chuốc thêm ai oán đau thương. Đối đãi với nhau bằng sự tử tế, đó là cái gốc làm người, lấy sự tử tế để đem lại chiến thắng, đó mới thực sự thành công!