Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam

Khác với một số đối tượng Sở hữu trí tuệ khác, nhãn hiệu hàng hóa cần phải được xác lập quyền thông qua thủ tục đăng ký mới được bảo hộ. Do đó, một chủ thể kinh doanh muốn sở hữu và được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa một cách đầy đủ thì phải làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trên cơ sở hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của chủ thể kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thẩm định đơn bao gồm thẩm định hình thứcthẩm định nội dung sau đó quyết định cấp hay từ chối cấp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Điều chỉnh vấn đề này, Việt Nam đã thiết lập được một cơ chế đăng ký nhìn chung là phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Cục sở hữu trí tuệ – cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu

Ngày 29/7/1982, Cục Sáng chế, tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ được thành lập theo Nghị định số 125/HĐBT. Theo Nghị định này, Cục sáng chế là một đơn vị trực thuộc Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thực hiện Nghị định 125/HĐBT, ngày 17/9/1982, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước ra Quyết định số 194/TCCB ban hành Điều lệ về tổ chức hoạt động của Cục Sáng chế.

Theo quy định tại Điều lệ này, một trong các nhiệm vụ của Cục Sáng chế là nơi “thực hiện việc nhận đăng ký, xét nghiệm trình chủ nhiệm Uỷ ban quyết định cấp các loại văn bản bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác”.

Ngày 29/6/1984, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên đã được cấp. Kể từ đó, số đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cũng như số Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hàng năm tăng liên tục. Tính đến cuối năm 1989, Cục Sáng chế đó nhận được 1.721 đơn đăng ký nhãn hiệu và đó cấp 1.550 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Ngày 22/5/1993, Chính phủ ban hành Nghị định 22/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo Nghị định này, Cục Sáng chế được đổi tên thành Cục Sở hữu công nghiệp.

Ngày 08/6/1993, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra Quyết định số 259/TCCB ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu công nghiệp. Theo Điều lệ này thì nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Sở hữu công nghiệp được mở rộng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sở hữu công nghiệp và thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 11/2/1989.

Ngày 19/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo Nghị định này, Cục Sở hữu công nghiệp được đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ. Cũng theo quy định tại Nghị định này, Cục Sở hữu trí tuệ không còn thẩm quyền quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa nữa.

Việc tách chức năng quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa ra khỏi Cục Sở hữu trí tuệ đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía các chủ thể kinh doanh, các chuyên gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ cũng như dư luận nói chung. Trước tình hình đó, ngày 16/01/2004 Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2004/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2003/NĐ-CP, theo đó chức năng quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa lại được trả về cho Cục Sở hữu trí tuệ (khoản 3 Điều 1 Nghị định 28/2004/NĐ-CP).

Theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành kèm theo Quyết định số 14/2004/BKHCN ngày 25/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Sở hữu trí tuệ là:

  • Thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
  • Thực hiện các thủ tục duy trì, gia hạn, sửa đổi, chuyển nhượng liên quan đến các quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
  • Thực hiện theo thẩm quyền các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ;
  • Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành các biện pháp nhằm bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm các qui định pháp luật về sở hữu trí tuệ được thi hành nghiêm chỉnh;…
  • Trong phạm vi được uỷ quyền, giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ;
  • Tiến hành các hoạt động thẩm định, giám định pháp lý phục vụ việc giải quyết các tranh chấp vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục sở hữu trí tuệ

Trước đây, theo quy định tại Điều 14, Khoản 2, Nghị định 63/CP, các chủ thể sau có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa:

  • Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động sản xuất hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa dùng cho sản phẩm do mình sản xuất hoặc sẽ sản xuất;
  • Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động dịch vụ hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dịch vụ dùng cho dịch vụ do mình tiến hành hoặc sẽ tiến hành;
  • Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm do mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên;
  • Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ thuộc về cá nhân, pháp nhân đại diện cho tập thể cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tương ứng.

Kế thừa, “luật hoá” và phát triển các quy định trên, Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã mở rộng phạm vi các chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu như sau:

  • Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
  • Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
  • Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với danh hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó.
  • Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

  • Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
  • Việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ;

Những người có quyền đăng ký quy định ở trên, kể cả người đã nộp đơn đăng ký, có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Như vậy, so với Nghị định 63/CP, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 mang tính bao quát và đầy đủ hơn.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Các tài liệu cần có trong đơn: Theo quy định tại các điều 100, 101 và 105 Luật Sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bao gồm các tài liệu sau:

  1. Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
  2. Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ, bao gồm:
  3. Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
  4. Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có;
  5. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể với các nội dung chủ yếu sau:
    • Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
    • Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
    • Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
    • Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
    • Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
  6. Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Quy chế này phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
    • Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu; điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
    • Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
    • Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
    • Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
  7. Giấy uỷ quyền, nếu nộp đơn thụng qua đại diện;
  8. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
  9. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
  10. Chứng từ nộp phí, lệ phí

Một số lưu ý

Nếu nhãn hiệu có từ ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm. Nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Hàng hóa, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.

Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp yêu cầu:

  • Giấy uỷ quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
  • Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bao gồm:

  • Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn ưu tiên;
  • Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ khác nhau.

Cách thức nộp đơn

Theo quy định tại Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các chủ thể có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo các cách thức sau:

  • Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
  • Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Thủ tục xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu

Theo quy định tại Điều 108 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận nếu có ít nhất các thông tin và tài liệu sau:

  • Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;
  • Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.

Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn nộp theo điều ước quốc tế.

Thẩm định đơn: Đây là quá trình Cục Sở hữu trí tuệ xem xét thẩm tra về hình thức cũng như nội dung của đơn đăng ký nhãn hiệu, trên cơ sở đó sẽ quyết định cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ. Trước đây, thuật ngữ được dùng trong các văn bản pháp luật là “xét nghiệm đơn” nhưng Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã thay bằng thuật ngữ mới, phự hợp hơn là “thẩm định đơn”.

Thẩm định hình thức đơn: Theo quy định tại Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn. Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau:

  • Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức.
  • Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ.
  • Người nộp đơn không có quyền đăng ký kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý, thực hiện việc nộp đơn.
  • Đơn được nộp trái với cách thức nộp đơn.
  • Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí.

Đối với các đơn bị coi là không hợp lệ như trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN (Cục Sở hữu trí tuệ) thực hiện các thủ tục sau:

  • Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.
  • Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối nêu trên.
  • Nếu người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Đối với các đơn được coi là hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về SHCN (tức Cục Sở hữu trí tuệ) ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ. Các đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối sẽ bị coi là không được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Quy định này của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được coi là phù hợp với tinh thần của Công ước Paris 1883.

Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa: Đơn đăng ký nhãn hiệu đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công bố trên Cụng báo SHCN trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là hợp lệ.

Thẩm định nội dung đơn: Nếu như thẩm định hình thức là kiểm tra đơn về mặt hình thức nhằm mục đích kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ thì thẩm định nội dung đơn là kiểm tra để đánh giá khả năng được bảo hộ của dấu hiệu nêu trong đơn và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

Việc đánh giá khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu dựa trên việc xác định nhãn hiệu nêu trong đơn có đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ hay không. Cơ sở pháp lý để kết luận là nội dung quy định của các Điều 72, 73, 74 Luật Sở hữu trí tuệ.

Việc xác định phạm vi bảo hộ bao gồm:

  • Xác định nhãn hiệu được gắn cho các hàng hóa, dịch vụ gì trong số những hàng hóa dịch vụ nêu trong đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ;
  • Những yếu tố nào của nhãn hiệu cần loại bỏ (chẳng hạn, vì có khả năng gây nhầm lẫn);
  • Những yếu tố nào của nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ khi đứng riêng (chẳng hạn chữ cái, chữ số, các từ mang tính mô tả…)

Theo quy định tại Điều 114 Luật Sở hữu trí tuệ, việc thẩm định nội dung được tiến hành đối với các đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố là hợp lệ và đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau:

  • Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ.
  • Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số các đơn đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau hoặc tương tự với nhau.
  • Đơn thuộc trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu hoặc ngày nộp đơn sớm nhất mà những người nộp đơn không thoả thuận được với nhau để chọn một đơn duy nhất được bảo hộ.

Đối với trường hợp có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ hoặc không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp – tức Cục Sở hữu trí tuệ phải thực hiện các thủ tục sau:

  • Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối.
  • Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng.
  • Nếu người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và ghi vào sổ đăng ký quốc gia về SHCN.

Một điểm đáng lưu ý ở đây là trong trường hợp có phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.

Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ và người nộp đơn nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào sổ đăng ký quốc gia về SHCN.

Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó:

  • Đơn được thẩm định hình thức trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;
  • Thời hạn thẩm định nội dung là 6 tháng kể từ ngày công bố đơn.
  • Thời hạn thẩm định lại đơn bằng 2/3 thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt qua thời hạn thẩm định lần đầu.
  • Thời hạn giành cho việc sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn trên.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, các nhà soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã rút ngắn thời gian cho quá trình xử lý đơn (trước đây, thời hạn xét nghiệm hình thức là 3 tháng, thời hạn xét nghiệm nội dung là 9 tháng). Đây là điểm mới đáng ghi nhận bởi việc đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn chính là đảm bảo quyền lợi cho người nộp đơn.

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chính là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu nhãn hiệu, đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ (Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ).

Hiệu lực của văn bằng bảo hộ và gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ:

  • Về mặt không gian, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (Giấy chứng nhận đăng ký nhón hiệu) có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
  • Về mặt thời gian, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

Có thể thấy rằng, quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ trong điều 93 Luật Sở hữu trớ tuệ như trên là hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế và tương thích với pháp luật của các quốc gia khác. Điểm chung trong các quy định đó là thời gian bảo hộ nhãn hiệu không bị giới hạn. Điều này là do việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa không làm cản trở sự phát triển khoa học công nghệ và không ảnh hưởng đến quyền khai thác kinh doanh thương mại của các chủ thể kinh doanh khác. Việc giới hạn về thời gian lần đầu và gia hạn chỉ là yêu cầu về mặt quản lý.

Việc quy định gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như trên có ý nghĩa quan trọng đối với việc chống cạnh tranh không lành mạnh. Nó khuyến khích chủ văn bằng bảo hộ sử dụng nhãn hiệu liên tục, hiệu quả và ngăn cản việc đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng gây trở ngại cho các chủ thể khác sử dụng các nhãn hiệu mới có khả năng phân biệt.

Xem thêm: