Lợi ích của nhãn hiệu hàng hóa đối với doanh nghiệp

Vai trò của nhãn hiệu hàng hóa đối với doanh nghiệp đã được chứng minh rất rõ trong thực tế phát triển kinh tế toàn cầu hàng trăm năm qua. Chuyên gia nổi tiếng về quảng cáo Larry Light trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ báo Journal of Advertising Research cũng đã không một chút do dự khi khẳng định rằng nhãn hiệu hàng hóa“tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”.

Nhãn hiệu hàng hóa là một trong những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp

Nhận xét đó hoàn toàn có cơ sở bởi nếu như trước đây, giá trị của một công ty được đánh giá theo giá trị tài sản hữu hình như đất đai, nhà xưởng, thiết bị,… thì đến nay, người ta đã thừa nhận giá trị thực sự của doanh nghiệp nằm bên ngoài chính bản thân doanh nghiệp, là hình ảnh đọng lại trong tâm trí của khách hàng tiềm năng. Chính vì vậy, có những giao dịch đạt đến mức giá không thể đo lường được theo những tiêu chuẩn đã thiết lập trước đây. Nestle đã mua lại Rowntree với giá gấp ba lần vốn cổ phần và gấp 26 lần kết quả kinh doanh của công ty mang nhãn hiệu đó.

Nhãn hiệu hàng hóa là một công cụ không thể thiếu để doanh nghiệp giao thiệp với công chúng. Nhãn hiệu, thông qua những giá trị đặc biệt của mình, làm phong phútăng cường mối quan hệ giữa khách hàng/người tiêu dùng với hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đó.

Nó không chỉ xác định nguồn gốc của hàng hóa mà còn thiết lập mối quan hệ với người tiêu dùng trên cơ sở niềm tin thông qua việc khẳng định uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp cũng như đảm bảo chất lượng ổn định của hàng hóa. Do đó, khi hàng hóa đã được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng thì nhãn hiệu sẽ góp phần tạo ra lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp thông qua sản xuất hàng hóa mang nhãn hiệu đó hoặc ký hợp đồng li-xăng cho phép doanh nghiệp khác sử dụng nhãn hiệu hàng hóa.

McDonald's ngày khai trương
Hình ảnh hàng trăm người xếp hàng chờ ăn tại McDonald’s Hà Nội ngày khai trương

Rõ ràng, khi đó nhãn hiệu hàng hóa đã trở thành tài sản rất quan trọng của doanh nghiệp. Giá trị tài sản này tăng lên hàng ngày vì hàng hóa mang nhãn hiệu được bán ra càng nhiều thì nhãn hiệu càng được nhiều người biết đến. Khi nhãn hiệu trở nên nổi tiếng thì đó là tài sản vô giá. Tư liệu sau đây do Business Week cung cấp vào tháng 7 năm 2005 là những con số ngoạn mục của các nhãn hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới:

Nhãn hiệuGiá trị (tỉ USD)Nước xuất xứ
Coca-cola67,52Hoa Kỳ
Microsoft59,94Hoa Kỳ
IBM53,37Hoa Kỳ
GE46,99Hoa Kỳ
Intel35,58Hoa Kỳ
Nokia26,45Phần Lan
Disney26,44Hoa Kỳ
McDonalds26,01Hoa Kỳ
Toyota24,83Nhật Bản
Marlboro21,18Hoa Kỳ

Nhãn hiệu hàng hóa góp phần duy trì và phát triển lượng khách hàng, giảm chi phí trong hoạt động marketing, là nhân tố đem lại sự ổn định và đi lên của doanh nghiệp

Từ lâu, người ta đã sớm nhận ra vai trò to lớn của khách hàng trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Khi sản xuất ra hàng hóa, doanh nghiệp chỉ có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận nếu hàng hóa đó được tiêu thụ bởi khách hàng. Tuy nhiên, “Lòng trung thành của khách hàng không phải là bất biến” (Filser).

Yếu tố tâm lý khách hàng được các chủ doanh nghiệp khá coi trọng. Các hoạt động Marketing được đẩy mạnh không ngoài yếu tố tìm tòi và duy trì tâm lý khách hàng, quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin nơi khách hàng vào nhãn hiệu hàng hóa của mình. Khách hàng là người lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng có sử dụng sản phẩm hàng hóa/dịch vụ hay không.

Một nhãn hiệu hàng hóa mà khi nhắc đến người ta có thể nghĩ ngay đến sản phẩm cũng như đặc trưng, lợi ích và thậm chí cả nền văn hoá của doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó tức là nhãn hiệu đang trên bước đường thành công vì đã nằm trong tiềm thức và tình cảm của khách hàng. Và như vậy, những doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng luôn thu hút được lượng khách hàng lớn với nguồn lợi nhuận cao.

Hàng trăm người xếp hàng chờ mua vàng tại một cửa hàng Bảo Tín Minh Châu
Hàng trăm người xếp hàng chờ mua vàng tại một cửa hàng Bảo Tín Minh Châu

Nhãn hiệu hàng hóa là công cụ tiếp thị hữu hiệu, một phương tiện quảng cáo, xúc tiến thương mại nhằm khuyếch trương việc kinh doanh của hàng hóa/dịch vụ mang chính nhãn hiệu đó. Chi phí cho hoạt động Marketing cũng đương nhiên giảm bớt. Do đó, vấn đề thâm nhập vào thị trường mới với một nhãn hiệu nổi tiếng sẽ giảm bớt được rất nhiều khó khăn nếu không muốn nói là có nhiều người mong chờ, đón nhận so với những nhãn hiệu hàng hóa ít được biết đến hoặc chưa được biết đến bao giờ.

Nhãn hiệu đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Một nhãn hiệu hàng hóa được công chúng biết đến một cách rộng rãi sẽ tạo được niềm tin nơi khách hàng và vì vậy hàng hóa mang nhãn hiệu dễ dàng nằm trong sự lựa chọn của họ. Nhờ đó, thị phần của doanh nghiệp sẽ tăng lên, cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã giành được lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua quyết liệt với các đối thủ khác trên thương trường.

Mặt khác, một nhãn hiệu hàng hóa mạnh cũng góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng hóa, đem lại nguồn lợi nhuận lớn hơn.

Xem thêm: