Nhãn hiệu hàng hóa và cuộc cách mạng công nghiệp

Cho đến trước cuộc cách mạng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa cũng chỉ có phạm vi áp dụng rất hạn hẹp với lý do: phần lớn hàng hóa vào thời kỳ bấy giờ được sản xuất ra dưới dạng cân đong từ các thùng, hộp hoặc các vật đựng đơn giản khác, hiếm khi có các dạng bao bì đặc chủng dùng riêng cho từng loại hàng hóa của các nhà sản xuất khác nhau. Do đó, rất khó phân biệt hàng hóa của mỗi nhà sản xuất.

Việc sử dụng các nhãn hiệu với tính chất là các dấu hiệu phân biệt trên sản phẩm, dịch vụ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong khuôn khổ các quan hệ sản xuất mới: quan hệ sản xuất tư bản đang dần thay thế cho các quan hệ sản xuất phong kiến trước đây. Nhu cầu này xuất phát từ một loạt các nhân tố như: mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường giao lưu thương mại, sự gia tăng cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phần lớn lợi nhuận của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa nằm trong tương quan tỷ lệ trực tiếp với khối lượng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Quy mô thị trường trong từng giai đoạn cụ thể thì lại là một đại lượng vô cùng hạn chế. Do đó, vấn đề quan tâm sống còn, luôn đeo bám các nhà sản xuất và kinh doanh là làm sao để người tiêu dùng mua những sản phẩm, dịch vụ của mình mà không phải là những sản phẩm/dịch vụ cùng loại của nhà sản xuất/cung cấp khác.

Nếu như ở giai đoạn hợp tác giản đơn và công trường thủ công, việc gắn nhãn hiệu vẫn chủ yếu có ý nghĩa như một công cụ để bảo chứng cho chất lượng sản phẩm thì khi phương thức sản xuất tư bản chuyển sang hình thức mới – công nghiệp máy móc – chức năng và quy mô gắn nhãn hiệu cho hàng hóa đã có những biến đổi quan trọng.

Quảng cáo thông qua nhãn hiệu hàng hóa

Nền công nghiệp máy móc cho ra đời hàng loạt những sản phẩm cùng loại đã dẫn tới sự cạnh tranh không ngừng trên thị trường. Trong điều kiện như vậy, vai trò của việc quảng cáo thông qua nhãn hiệu hàng hóa như là một công cụ để tiêu thụ hàng hóa ngày càng được chú trọng. Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp, người ta bắt đầu sử dụng các hình thức đóng gói cá nhân cho các sản phẩm cùng loại. Điều đó tạo ra khả năng sử dụng nhãn hiệu hàng hóa vừa với tính chất là phương tiện phân biệt sản phẩm/dịch vụ vừa là phương tiện để quảng cáo.

Có thể kể ra đây câu chuyện như là một ví dụ điển hình về việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa trong giai đoạn này. Đó là câu chuyện của công ty sản xuất xà bông và đèn cầy Procter & Gamble (Hoa Kỳ). Cho đến trước năm 1880, xà phòng được sản xuất trong điều kiện gia đình và được bán theo trọng lượng. Trong cửa hàng, theo yêu cầu của người mua, người ta cắt những mẩu xà phòng giống như là bơ vậy. Công nghệ sản xuất xà phòng còn rất thấp, bởi vậy, chất lượng xà phòng có sự khác nhau rõ rệt giữa các mẻ hàng hác nhau.

Procter & Gamble đã nghiên cứu và tìm ra công nghệ ưu việt hơn đảm bảo được chất lượng thường xuyên của xà phòng. Những người chủ công ty này đã sử dụng tên gọi IVORY để làm nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Tháng 12 năm 1881, công ty P & G (Procter & Gamble) đã đăng bài quảng cáo đầu tiên về một sản phẩm xà bông thơm có tên là IVORY, “nổi trên mặt nước, trắng như ngà, và 99,44 phần trăm tinh khiết”. Cho đến ngày nay, nhãn hiệu hàng hóa này không chỉ có chức năng phân biệt mà còn được sử dụng để quảng cáo cho biểu tượng chất lượng của sản phẩm.

Trong quá trình cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện tượng bắt chước nhãn hiệu của nhau và gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu ngày càng nhiều. Số vụ xử kiện tại các toà án ngày càng tăng. Vấn đề mà các toà án thời đó cần phải phán quyết là quyền đối với một nhãn hiệu hàng hóa cụ thể nào đó thuộc về ai. Trong các vụ xét xử, nguyên tắc thường được các toà án áp dụng là: quyền thuộc về người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu hàng hóa (Nguyên tắc first to use).

Đăng ký nhãn hiệu tại Tòa án

Lúc đầu, các sổ nhãn hiệu chỉ dùng để theo dõi các nhãn hiệu bị tranh chấp, sau đó ghi cả các nhãn hiệu khác chưa bị tranh chấp để đề phòng các tranh chấp sẽ có trong tương lai. Cuối cùng, ngay cả các nhãn hiệu chưa được sử dụng nhưng chủ các nhãn hiệu có ý định sử dụng cũng được ghi nhận vào sổ. Sổ theo dõi nhãn hiệu dần dần trở thành sổ đăng bạ nhãn hàng, từ đó hình thành phương thức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại toà án (thường gọi là trình toà).

Việc đăng ký nhãn hiệu như vậy được thực hiện theo thông lệ chứ không theo quy định của một văn bản pháp luật nào. Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được ghi nhận lần đầu tiên trong Luật về xí nghiệp, cơ sở chế tạo và lò xưởng thủ công năm 1809 của Pháp. Luật này quy định hành vi làm giả nhãn hiệu sẽ bị xử phạt như tội tự ý làm giả các văn bản giấy tờ.

Ngày 23/6/1857, Pháp ban hành Luật về ký hiệu, nhãn hiệu chế tạo. Theo luật này, quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa thuộc về người thực hiện sớm nhất một trong hai việc: sử dụng nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu theo quy định của luật. Nếu một người đăng ký một nhãn hiệu nhưng thời điểm sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của người đó lại sau người đăng ký thứ hai thì quyền đối với nhãn hiệu thuộc về người thứ hai.

Tiếp theo Pháp, lần lượt các nước Italia (ngày30/8/1868), Bỉ (ngày 01/4/1879), Hoa Kỳ (ngày 03/03/1881), Anh (ngày 25/8/1883), Đức (ngày 12/3/1894), Nga (ngày 26/02/1896), Nhật Bản (1875),… đã lần lượt ban hành pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa của mình. Các đạo luật trên đều quy định khá chi tiết về cơ chế bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa: thủ tục xác lập quyền, sử dụng và bảo vệ; phạm vi các dấu hiệu có thể được bảo hộ, tập trung hoá quá trình đăng ký,…

Từ đó có thể thấy rằng, ngay từ những bước đi đầu tiên trong quá trình hình thành các văn bản pháp luật bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, các quốc gia đã thiết lập được một loạt nguyên tắc cơ bản về bảo hộ loại đối tượng này. Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, hầu hết các nước đã thông qua những đạo luật mới về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển không ngừng của hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa/dịch vụ trong thời đại mới.

Sự phát triển của sản xuất đã tạo ra nhu cầu to lớn cho sự hình thành và phát triển của thương mại quốc tế. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, việc trao đổi sản phẩm qua biên giới quốc gia đã tạo nên một làn sóng toàn cầu hoá tới các cường quốc công nghiệp. Cùng với sự phát triển của thương mại hàng hóa xuyên quốc gia, tình trạng làm hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hàng hóa cũng gia tăng. Điều đó là một cản trở lớn cho quá trình phát triển giao lưu thương mại.

Người ta bắt đầu nhận thấy tính chất quốc tế trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Cũng từ đó nảy sinh nhu cầu vượt ra khỏi phạm vi các quốc gia. Kết quả là vào cuối thế kỷ XIX, các điều ước quốc tế liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã lần lượt ra đời. Phản ánh sự đấu tranh đồng thời với sự hợp tác, dung hoà quyền lợi giữa các nhóm lợi ích khác biệt trên thế giới, các điều ước này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo hộ quốc tế đối với nhãn hiệu hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển của thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Công ước Paris 1883

Văn bản đầu tiên là Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp được ký kết ngày 20/3/1883 tại Paris, được xem xét lại và sửa đổi tại Roma năm 1886, tại Madrid năm 1890, tại Brussels năm 1897 và 1900, tại Washington năm 1911, tại La Hay năm 1925, tại Luân Đôn năm 1934, tại Lisbon năm 1958, tại Stockholm năm 1967 và được sửa đổi vào năm 1979. Tính đến năm 2019, có 177 nước là thành viên của Công ước này.

Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo Công ước Paris được thể hiện trên hai khía cạnh:

  1. Thiết lập những nguyên tắc bảo hộ chung cho tất cả các đối tượng SHCN được quy định trong Công ước, trong đó có nhãn hiệu hàng hóa;
  2. Đưa ra những quy định riêng về chế độ bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa.

Sự phát triển của việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có nhãn hiệu hàng hóa trong khoảng thời gian hơn 100 năm qua đã nói lên sự đóng góp to lớn của Công ước Paris. Tuy nhiên, dưới góc độ lập pháp quốc tế, Công ước chưa giải quyết được một số vấn đề quan trọng như việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vẫn phải được tiến hành tại từng quốc gia nơi người nộp đơn yêu cầu bảo hộ. Công ước cũng chưa quy định một cách cụ thể về nhãn hiệu dịch vụ; chưa thiết lập được một hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa;…

Thỏa ước Madrid

Nhằm khoả lấp một phần những khoảng trống trong Công ước Paris liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, năm 1891, Thỏa ước Madrid đã được thông qua tại Tây Ban Nha. Tính đến ngày 18/01/2002, Thỏa ước đã thu hút được 52 quốc gia thành viên. Những quy định của Thỏa ước mở ra cơ hội cho việc thiết lập cơ chế đăng ký quốc gia và quốc tế cho cùng một nhãn hiệu, trong đó mỗi nước thành viên Thỏa ước đều có nghĩa vụ công nhận đăng ký này.

Thỏa ước không thiết lập một chế độ bảo hộ duy nhất đối với nhãn hiệu hàng hóa ở tất cả các nước thành viên tham gia mà chỉ làm đơn giản hơn quá trình đăng ký bảo hộ đồng thời ở nhiều quốc gia, tạo điều kiện cho người nộp đơn có thể xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình ở nhiều quốc gia mà không phải đăng ký trực tiếp ở từng quốc gia đó. Chính điều này sẽ dẫn tới việc giảm thiểu đáng kể những chi phí đăng ký cho người nộp đơn.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thỏa ước Madrid vẫn là điều ước quốc tế quan trọng nhằm khắc phục nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại các quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Thỏa ước vẫn còn có những điểm bất cập:

Thứ nhất, đó là tình trạng về quá trình đăng ký hai giai đoạn: đầu tiên là ở cấp độ quốc gia, sau đó là ở cấp độ quốc tế. Điều này sẽ tạo ra những bất lợi nhất định cho người nộp đơn tại nước nơi mà thủ tục xét nghiệm về nhãn hiệu được tiến hành cẩn trọng, khắt khe hơn hoặc nơi mà việc sử dụng nhãn hiệu được coi là điều kiện bắt buộc để nhãn hiệu có thể được đăng ký.

Thứ hai, quy định về thời hạn từ chối đăng ký đơn nhãn hiệu của quốc gia thành viên trong vòng 12 tháng làm cho thời gian xét nghiệm nhãn hiệu một cách nghiêm túc trở nên quá ngắn, nhất là trong điều kiện số lượng lớn đơn nộp yêu cầu bảo hộ.

Thứ ba, mức lệ phí tương đối thấp cho việc đăng ký nhãn hiệu ở các cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia không thể chi trả hết được những chi phí cho việc tiến hành xét nghiệm nhãn hiệu một cách nghiêm túc.

Thứ tư, sự phụ thuộc của hiệu lực đăng ký quốc tế vào hiệu lực đăng ký cơ sở (cho dù chỉ là trong vòng 5 năm đầu tiên) không đáp ứng được lợi ích của người nộp đơn ở các quốc gia nơi mà nhãn hiệu thường hay bị đình chỉ, huỷ bỏ vì nhiều lý do khác nhau.

Xuất phát từ những lý do kể trên nên mặc dù Thỏa ước Madri ra đời từ hơn một trăm năm nay và đã qua nhiều lần sửa đổi song vẫn vắng bóng sự tham gia của một số cường quốc về nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh.

Nghị định thư Madrid

Với mục đích nhằm mở rộng hệ thống đăng ký, thu hút nhiều nước tham gia hơn nữa, năm 1995, Nghị định thư Madrid đã ra đời. So với Thỏa ước Madrid thì Nghị định thư đã có một số cải cách cơ bản như:

  • Việc đăng ký quốc tế không chỉ dựa trên cơ sở đăng ký quốc gia mà còn có thể dựa trên đơn đăng ký quốc gia;
  • Thời hạn từ chối đăng ký cho mỗi quốc gia là 18 tháng thay vì 1 năm như trước đây;
  • Mức lệ phí được tăng lên và các quốc gia được phép thu lệ phí riêng cho việc đăng ký;
  • Một đăng ký quốc tế bị huỷ bỏ có thể chuyển thành một đăng ký quốc gia ở mỗi quốc gia được chỉ định.

Tính đến ngày 18/01/2002 đã có 55 quốc gia là thành viên của Nghị định thư Madrid. Việt Nam đã gia nhập Điều ước quốc tế này từ ngày 11/7/2006.

Trong số các cường quốc về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, Hoa Kỳ vẫn là nước tiếp tục không tham gia Nghị định thư. Bởi vì, về cơ bản, Hoa Kỳ tuy chấp nhận những điều kiện của Nghị định thư, nhưng lại không đồng ý với cơ chế bỏ phiếu của Nghị định thư (chấp nhận cả các lá phiếu độc lập của từng nước Châu Âu lẫn lá phiếu của Liên minh EC). Hoa Kỳ cho rằng, một nguyên tắc cần được tôn trọng khi tham gia bất kỳ thoả thuận quốc tế nào là các thành viên phải có quyền bầu cử như nhau.

Các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở mỗi nước được quy định là tương đối khác nhau. Những thủ tục này đôi khi đòi hỏi các thể thức rất khác nhau, gây ít nhiều khó khăn cho người nộp đơn và chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa. Một thành công đáng kể trong việc tiến tới hài hoà hoá, đơn giản hoá các thể thức đó là việc thông qua Hiệp ước luật nhãn hiệu hàng hóa ngày 27 tháng 10 năm 1994.

Hiệp ước luật nhãn hiệu hàng hóa 1994

Các quy định của Hiệp ước đưa ra những tiêu chuẩn tối đa về thủ tục mà cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được phép hay không được phép đòi hỏi người nộp đơn hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa. Hiệp ước loại bỏ một số yêu cầu được coi là gánh nặng (như việc hợp pháp hoá chữ ký); đề ra một số điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các thủ tục; v.v…

Nhìn chung, Hiệp ước luật nhãn hiệu hàng hóa mang lại lợi ích không chỉ cho người nộp đơn, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa mà còn cho cả cơ quan đăng ký của các quốc gia và các đại diện sở hữu trí tuệ.

Tính đến tháng 10/ 2004, tức là chỉ sau 10 năm ra đời, Hiệp ước đã được 27 nước phê chuẩn, trong đó có Hoa Kỳ. Với Việt Nam, mặc dù chúng ta chưa tham gia Hiệp ước song hệ thống pháp luật của nước ta có hầu hết các quy định trong hiệp ước. Tuy nhiên có một số điều bị cấm và thiếu một số quy định bắt buộc.

Hiệp định TRIPs

Cũng trong năm 1994, một điều ước quốc tế vô cùng quan trọng đã được thông qua mà sự xuất hiện của nó đã mang lại những thay đổi cơ bản trong lĩnh vực SHTT (trong đó có nhãn hiệu hàng hóa). Đó chính là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (TRIPS).

Hiệp định TRIPS quy định việc bảo hộ nhiều đối tượng SHTT khác nhau, trong đó có nhãn hiệu hàng hóa. Hiệp định TRIPS đã khẳng định lại và mở rộng các chuẩn mực và quy định của Công ước Paris. Hơn nữa, Hiệp định TRIPS đã vượt ra ngoài Công ước Paris khi lần đầu tiên đưa ra một nguyên tắc mới là đối xử tối huệ quốc (MNF), đồng thời quy định các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ khá chặt chẽ và hệ thống hình phạt đối với các thành viên không đảm bảo sự bảo hộ tối thiểu về quyền SHTT, kể cả các tiêu chuẩn tối thiểu về nghĩa vụ thực thi quyền. Các hình phạt này hoàn toàn không có trong Công ước Paris.

Cũng với mục đích tăng cường bảo hộ các đối tượng của quyền SHTT trong đó có nhãn hiệu hàng hóa trên quy mô toàn thế giới, năm 1970, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động.

Xem thêm: